Skip to main content

GIỚI THIỆU CHUNG XÃ LƯƠNG AN TRÀ

Lương An Trà là một xã vùng đồng bằng, với tổng diện tích tự nhiên 8.607,47 ha, trong đó phần lớn diện tích là đất nông nghiệp (chiếm 7.500 ha); toàn xã có 2.101 hộ = 7.561 khẩu. Phần lớn người dân của xã là dân tộc kinh (chiếm tỷ lệ 97,3%), còn lại một số ít là dân tộc Khmer và dân tộc Chăm; Tôn giáo: đạo Phật 53,6%, Hòa Hảo 27,8%, Tứ Ân Hiếu Nghĩa 5,7%, tôn giáo khác 3,9%, không theo tín ngưỡng nào 0,9%, đa số người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, mua bán nhỏ và đi lao động trong, ngoài tỉnh; xã có tổng số 05 ấp, 04 trường.

UBND XÃ

Năm 1995, xã Lương An Trà được thành lập theo Nghị định số 60-NĐ/CP, của Chính phủ. Trãi qua 27 năm kể từ khi thành lập xã đến nay; được sự quan tâm lãnh đạo và đầu tư của trung ương, tỉnh, huyện. Nhiều chủ trương, chính sách được triển khai thực hiện cùng với sự nổ lực phấn đấu vươn lên của Đảng bộ và nhân dân, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thuỷ lợi, cải tạo vùng đất phèn, thực hiện cơ giới hoá và ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất, phù hợp với vùng điều kiện thổ nhưỡng. Đặc biệt là được Trung ương đầu tư Dự án thoát lũ ra biển Tây, theo Quyết định số 159/TTg, ngày 09/02/1996 của Thủ tướng chính phủ; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt dự án kỷ thuật theo Quyết định số 637-NN/ĐTXDCB, ngày 21/4/1997 với tên Dự án Kênh Tuần Thống – T5, Kênh dài 37.535 m qua hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Riêng An Giang dài 10.894 mét. Tuyến xuất phát từ kinh Vĩnh Tế, cách vàm Kinh Mới 250 mét về phía Hà Tiên thuộc Huyện Tri Tôn (An Giang) thẳng ra kinh Rạch Giá - Hà Tiên cách đầu kinh Tuần Thống 300 mét về phía Rạch Giá và theo kinh Tuần Thống đổ ra Biển Tây đưa phù sa vào sâu vùng trũng Tứ giác, hạn chế ngập lụt đầu mùa nước nổi, bảo đảm sản xuất lúa, màu hai, ba vụ trong năm; kết hợp xây dựng tuyến dân cư, giao thông thuỷ - bộ. Công trình hoàn thành ngày 24/08/1997 đã góp phần rất quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng tứ giác Long Xuyên nói chung và của xã Lương An Trà nói riêng.

Từ khi dự án thoát lũ ra biển Tây hoàn thành đã mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp; đặc biệt là được Trung ương, tỉnh và huyện đầu tư xây dựng 19 tuyến kênh, phục vụ cho việc khai hoamg, rữa phèn, thoát lũ…Từ đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp từ một vụ lên hai vụ và hiện nay đang mở rộng thêm sản xuất vụ thu đông, góp phần đưa diện tích sản xuất nông nghiệp từ 3.272 ha năm 1986 lên 7.530 ha, năm 2011, tăng gấp 2,3 lần;  năng suất bình quân tăng lên (6 - 7 tấn /ha), sản lượng lương thực đạt 160.000 tấn/năm, lương thực bình quân đầu người đạt 19.000 kg/người/năm. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp từng bước đáp ứng thị trường tiêu thụ; Trình độ sản xuất của nhân dân được nâng lên. Các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển đa dạng phong phú; tạo thêm nhiều việc làm góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. 

Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, toàn xã 02 chợ với 71 hộ kinh doanh thương mại, 08 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 01 công ty sản xuất phân vi sinh, thu hút 60 lao động thường xuyên, và 04 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thu hút 200 lao động tham gia ( một số doanh nghiệp đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng: công ty Gạo Hạnh Phúc, công ty Việt Thắng (thagico) mở rộng khu chăn nuôi). Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư phát triển, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp láng nhựa đảm bảo giao thông thông suốt; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất khá hoàn chỉnh; điện lưới quốc gia được đưa về đến tận các ấp, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,97 %, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,71 %.

Hệ thống giáo dục phổ thông từng bước được mở rộng, toàn xã có 04 trường (Mẫu giáo 01; tiểu học 02; trung học cơ sở 01), với 1667 học sinh; chất lượng hiệu quả giáo dục đào tạo có chuyển biến tích cực, tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở tăng dần; cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang theo hướng đạt chuẩn quốc gia (hiện nay đã có ¾ trường đạt chuẩn quốc gia). Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều tiến bộ chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo.

 Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình y tế quốc gia đạt kết quả tốt. Nâng cấp trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Xã hội hóa lĩnh vực y tế được mở rộng, ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường của nhân dân có nâng lên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 13,3%, tỷ lệ dân số 1,25%. Quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao, truyền thanh ở cơ sở, củng cố nâng chất phong trào “TDĐKXDĐSVH”, Toàn xã có tổng số 1.639/2.092 hộ đạt danh hiệu GĐVH, đạt 78,35%.

 Thực hiện các chính sách xã hội, chăm sóc người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, từng bước nâng cao mức sống bằng mức bình quân chung của xã hội. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo có bước tiến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 60 % xuống còn 2,19%; triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, cất nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết và  theo chương trình 167/CP, đến nay toàn xã đã xóa nhà tranh tre, cơ bản nhân dân có nhà ở ổn định.

Lĩnh vực quốc phòng an ninh luôn được quan tâm củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 1,46% dân số; thường xuyên huấn luyện sẳn sàng chiến đấu; công tác tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng. Lượng lực công an luôn được quan tâm củng cố, thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, kiềm chế, giảm dần tai nạn giao thông.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cải cách hành chính theo cơ chế một cửa trách nhiệm và thân thiện, thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, giải quyết khiếu nai, tranh chấp gắn với thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ và công tác dân vận chính quyền. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 xã đã được công nhận xã nông thôn mới.

Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai học tập quán triệt Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển đảng viên đạt 1,84 % dân số; tỷ lệ tổ chức đảng trong sạch vững mạnh đạt 100 %; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 95 %. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh; phát triển đoàn viên, hội viên, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát huy mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển xã Lương An Trà.

Nhìn lại chặng đường 27 năm qua, xã Lương An Trà đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, những kết quả đạt được đó là do sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện, với nhiều chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội… đã giúp cho xã Lương An Trà từ vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, sản xuất không hiệu quả, trở thành vùng kinh tế nông nghiệp có tiềm năng khá lớn như hiện nay. Bên cạnh đó còn có sự nổ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ đảng viên và sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, để có được những thành tựu như ngày nay.

Trong thời gian tới để tiếp tục phấn đấu đưa Lương An Trà ngày càng phát triển, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Đảng bộ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của kinh tế nông nghiệp, phát triên nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; mở rộng các hình thức sản xuất nông nghiệp và hình thành vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh thị trường. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tranh thủ và khai thác sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển; Phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là những nhân tố rất quan trọng để Lương An Trà phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.